DFS5: Giá hầu vừa khép... (30/12/2007)
|
|
|
Trang phục đen trên những chiếc ghế trắng toát, không có sân khấu phẳng như người xem vẫn hình dung về một đêm diễn thời trang thuần túy mà là sân khấu giật cấp "độc nhất vô nhị" được “chế” từ... cầu thang của Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC).
Ánh sáng tối dần, làn khói trắng lạnh vương vít, khúc bi ai khởi đầu khiến người ta không khỏi cắc cớ: Tạp chí Đẹp đang đưa mình vào cuộc chơi gì đây?
Khung cảnh biệt ly (Bộ sưu tập “Phân định” của Hà Linh Thư) mở màn trong không gian đêm phương Đông huyền bí, những bàn tay như vô tình xiết chặt lần theo sợi chỉ đỏ cùng chàng trai - nhân vật chính - dò dẫm bước xuống bốn tầng địa phủ để tìm người yêu đã mất.
Người xem bắt đầu chạm vào ranh giới âm dương, nghẹn ngào khi cô gái dần đi vào thế giới âm u, mộng mị và lạnh lẽo, trong sự đau đớn của người yêu.
Những trang phục tuân thủ thống nhất hai gam đen-trắng tạo nên sự phân định rõ rệt, và như thêm một nhát cắt hằn sâu sự ly biệt.
Màn 1 kết thúc bằng một giọt máu đỏ loang trên tấm phông, tạo ấn tượng thị giác cực mạnh cho khán giả.
Từ đây, người ta bắt đầu định hình về “cuộc chơi”, về con đường họ đang bước xuống: một thế giới bên kia với những nét tương đồng chẳng hề khác thế giới họ đang sống, sân khấu họ đang ngồi và cả những hỉ, nộ, ái, ố mà ai ai cũng trải qua - một thế giới vô hình tồn tại song hành với thế giới hữu hình mà đôi khi cái lằn ranh âm dương rất mỏng manh, mơ hồ.
Những bàn tay, khuôn mặt rị mọ chới với, gào thét để rồi như chìm xuống đáy vực sâu. Cuộc hành trình vào chốn tâm linh (BST "Phiêu diêu" - Văn Thành Công) đã thực sự bắt đầu, người xem như lạc vào miền hư ảo với với các linh hồn bay lượn vật vờ, những tiếng cười, tiếng hét, tiếng khóc lóc, than thở, van vỉ.
Trong hành trình kiếm tìm người yêu đã mất, qua những tầng địa phủ khiến ai đó cay xè đôi mắt, đau đáu nhớ thương về những bóng hình xa khuất, người ta vẫn không quên cơn cớ của chương trình này - thời trang - khi chiêm ngưỡng những trang phục trắng thanh khiết vừa hòa quyện vừa đối lập với những hoa văn lập thể màu đen đem lại hiệu ứng mộng mị và siêu thực.
Khi khúc “Lạc lối” tấu lên ai oán, tiếng ca trù nỉ non khởi đầu cho cuộc hội ngộ âm dương (BST "Bóng ma trong nhà hát" - Trương Thanh Hải), cảm giác sợ hãi khi dọ dẫm trong chốn địa phủ dần nhường chỗ cho cảm giác muốn được khám phá, tìm hiểu về cõi âm, nơi mà chuyến tàu cuối cùng của mọi cuộc đời đều sẽ đổ bến.
Trong cái sân ga chen chúc ấy có muôn mặt cuộc đời, và chàng trai đi tìm cô gái chợt nhận ra những người bạn cũ, những bóng ma nghệ sĩ trong nhà hát, có người nửa tỉnh nửa điên, có những người thong dong, có những người quằn quại trong sự cô đơn tuyệt đối của “nghiệp”. Họ đi tìm chính mình!
Những vị khách mời xuất hiện trong màn này thực sự là một điểm nhấn bất ngờ. Ca sĩ Tùng Dương với những thanh âm không lời, tiếng sáo cô đơn nơi địa phủ quẩn quanh bước chân nghệ sĩ quan họ Thúy Hường, nhà thơ của "Đồng tử" Vi Thùy Linh sang thế giới bên kia vẫn không thôi hừng hực, bóng ma Đào Anh Khánh lẻ loi, tiếng vọng ký ức trầm lặng của họa sĩ Đức “nhà sàn” và tiếng cười đau hơn cả tiếng khóc của NSND Đàm Liên.
Những tìm tòi, tỉ mỉ cầu kỳ từ những hoa văn rồng phượng, những trâm cài lược giắt, những cờ tướng dũng mãnh của NTK Trương Thanh Hải đã mang lại hiệu ứng tuyệt vời khi làm nổi bật "vẻ đẹp" âm u của thế giới tâm linh huyền bí.
Sau một quãng sân khấu chấp nhận “chết” cho âm nhạc “sống” để dẫn dắt "Thể phách nhập tinh anh" (BST "Thăng hoa" - Tiến Lợi), địa phủ mở ra trong ánh sáng rực rỡ, đèn nến lung linh, người ta không còn thấy sự lạnh lẽo, u tịch của cõi âm nữa mà thay vào đó là không gian rực cháy.
Chàng trai nhận ra linh hồn của người yêu đang hòa trong giá đồng khi những cánh cung văn nổi nhạc, tiếng đàn khoan thai, trống phách dồn dập, giọng hát văn của nghệ sĩ Thanh Hoài và Xuân Diệu vụt bổng bao trùm lên không gian.
Khi thì "cậu" hóa thân thành một vị tướng trấn giữ miền biên ải tiến lui múa long đao vun vút, khi thì là một mệnh quan uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái miền cao đang tung tăng nhảy múa giữa bạt ngàn núi rừng.
Giọng hát liêu trai lúc dìu dặt, lúc vui nhộn tưng bừng, tâm trạng buồn vui của khán giả cũng biến đổi theo từng giá đồng.
Một sân khấu dân gian đặc thù, một sân khấu tâm linh còn ở dạng "nguyên hợp" giữa các yếu tố nghệ thuật và tín ngưỡng... được đánh giá là màn xuất sắc nhất.
Cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh không chỉ của những người mẫu mà dường như còn của cả những vị khách đang “thăng” đã tạo nên những hiệu ứng tinh thần thật khó diễn tả nhưng có lẽ, cách gọi tên thích hợp nhất là: sởn lạnh, rùng mình và thích thú.
Những màu cơ bản như đỏ, tím, hồng, đen, vàng, xanh... mà NTK Tiến Lợi sử dụng trong những trang phục cho màn này đã tạo ra một khung cảnh sinh động, tươi mới trong suy nghĩ và tâm tưởng, tạo ra những giây phút "thăng" trong tâm hồn con người khiến cho cả trang phục, âm thanh, ánh sáng và khán giả đều cùng "lên đồng" một lúc.
Trong “giá hầu” này, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử các người mẫu được trình diễn thời trang trong một tư thế không tiền lệ: ngồi thiền và thoát xác.
Không gian chợt sáng bừng cho chặng cuối của cuộc hành trình "gặp gỡ để chia ly mãi mãi" (BST "Siêu thoát" - NTK Công Trí).
Những bộ đầm dài có kích thước rộng, theo khối và mảng lớn rực rỡ dưới ánh sáng lung linh và âm thanh sôi động, gấp gáp. Với bộ sưu tập này, Công Trí quả không hổ danh “ông hoàng của trang phục dạ hội” khi chỉ dùng lụa là, phom dáng mà mở ra một thế giới nơi cõi âm hừng hực chuyển động, nơi những bộ trang phục toát lên vẻ lộng lẫy khác lạ, không thuần túy là thời trang mà là tinh thần.
Người con gái lúc này hiện ra đẹp xiết bao, khoan thai đi dần về phía ánh sáng chói lòa, nơi miền cực lạc, nơi của thế giới vĩnh hằng.
Một xúc cảm vỡ oà khi người ta chạm vào một lát cắt khác của hai từ “chia ly” - đó là sự thăng hoa, sự bất tử chứ không còn là những đớn đau, xa cách. “Ra đi” nhưng không bao giờ là vĩnh viễn trong mỗi trái tim người ở lại, và đâu đó người ta miên man suy ngẫm về một sự luân hồi, ra đi để trở về.
Từ tăm tối nhất tới chói sáng nhất, từ lạnh lùng nhất tới ấm nóng nhất, những cung bậc tình cảm cứ trôi dần theo từng chương hồi.
Đó cũng là cảm xúc mà hầu hết trong đời ai cũng từng trải qua khi đứng lặng bên di ảnh người thân, khi đau đớn vì mất mát, chia lìa, khi sung sướng hoan lộ vì tìm lại bóng hình người đã mất, khi thăng hoa tột cùng, lúc lại như vừa rơi xuống đáy vực sâu.
Những cảm xúc thực của kiếp người mà những “tay chơi” đã biết nghệ thuật hóa bằng cái cớ thời trang để làm nên một “cuộc chơi” có một không hai, để người xem kiểm nghiệm và suy ngẫm.
Những xúc cảm tột đỉnh qua đi, nhưng dư vị còn ở lại len lỏi và định vị trong miền nhớ của hơn 2000 khán giả có mặt trong suốt chặng đường.
Cuộc chơi đã qua đi theo cách giải mã của mỗi người, có những mẫu số chung, có những nhận định riêng, những thắc mắc, nghi ngờ... nhưng ai nấy đều bị ám ảnh bởi cái cảm giác thích thú rờn rợn đến rùng mình.
Những chiếc áo khoác vội trong đêm hẳn không vì đợt lạnh cuối cùng - trước khi bước sang mùa hè được dự báo là sẽ góp mặt đủ cả El Nino lẫn La Nina.
Và rồi, trong nỗi nhớ mùa, ai đó vẫn nhắc, đầu hè từng có cơn gió lạ mang tên: “Bí ẩn của linh hồn”.
(Theo DEP Online)