Trang chủ    
      Tin tức    
      Đăng ký    
      Sản phẩm    
      Hỗ trợ    
      Liên hệ    
     
 
Main menu
Trang chủ
Tin tức
Đăng ký
Sản phẩm
Hỗ trợ
Liên hệ


Sản phẩm bán chạy
890
 
878
 
852
 
845
 
843
 
749
 
746
 

Tỷ giá
1 USD = 20900 VND
 
Đang tải dữ liệu
                                                                                                                                                                   Ngôn ngữ

Tìm đường cho thời trang Hà Nội (30/12/2007)

   
 


Đất Hà thành không thiếu các chương trình biểu diễn thời trang. Song vấn đề nằm ở chỗ, số lượng có đi đôi với chất lượng, và các chương trình thời trang đó có thật sự phát huy được tác dụng của mình tới công chúng đón nhận hay thay vào đó là một không khí lặng lẽ, ỉu xìu cùng những cái thở dài không được như ý của các nhà thiết kế?

Ỉu xìu vì đâu?

Một số chương trình thời trang lớn diễn ra thời gian vừa qua như: Tuần lễ thời trang xuân hè, Tuần lễ thời trang thu đông, Đẹp Fashion Show… đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà thiết kế, đặc biệt là các nhà thiết kế trẻ cùng nhiều ý kiến dư luận. Những sân chơi thời trang tổ chức định kỳ này, không chỉ tạo cơ hội cho những “gương mặt mới” thể hiện và phát huy tài năng của mình mà còn mở ra một diện mạo mới cho ngành thiết kế thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cái “được” còn có nhiều bất cập khiến các chương trình biểu diễn thời trang vừa qua chưa thực sự gây được tiếng vang và niềm tin cho nhiều nhà thiết kế. Vấn đề nằm ở đâu? Theo nhà thiết kế Tiến Lợi: “Đã từ lâu, thời trang- món ăn tinh thần của người Hà Nội là không có. Nếu có cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không tạo được tính giới thiệu, không quảng bá được xu hướng cho người tiêu dùng hoặc sự thưởng thức mang tính nghệ thuật. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho các nhà thiết kế miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Hoàn toàn mang tính khách quan, các nhà thiết kế vẫn luôn có những ý tưởng và sáng tạo của riêng mình, nhưng nếu cứ cất giữ ý tưởng đó ở nhà, cộng thêm sự trôi chảy của thời gian sẽ xảy ra một điều tất yếu là sự im lặng của sân khấu thời trang Hà Nội…“. Còn nhà thiết kế Lê Xuân cho rằng: “Sở dĩ các buổi trình diễn thời trang gần đây không tạo được tiếng vang lớn, không gây được ấn tượng sâu sắc cho khán giả có phần của khâu tổ chức. Cách thức tổ chức và quy mô đầu tư chương trình chưa thỏa đáng, nội dung không đủ hấp dẫn, nhiều chương trình tiết mục chồng chéo lên nhau hay có chương trình diễn ra mà không làm bật được chủ đề…”. Nhà tạo mẫu Quyết Thắng, Xuân Thu và rất nhiều các nhà thiết kế khác cũng chung quan điểm. Vậy là, vấn đề nằm ngay trong cung cách tổ chức của mỗi chương trình, nằm ngay trong bản thân mỗi nhà thiết kế và đặc biệt là những nhà thiết kế trẻ. Đây là lực lượng thiết kế dồi dào, được đánh giá cao về tiềm năng thiết kế thời trang Việt, song họ lại chưa tạo được phong cách thiết kế và lối đi riêng cho mình.



Cùng tìm lối đi chung



Hiện nay, phương thức học tập, nâng cao kiến thức chuyên ngành thời trang của các nhà thiết kế trẻ phổ biến nhất là thông qua truyền hình (các kênh thời trang quốc tế), sách vở và băng đĩa. Lợi thế của hình thức học tập này là họ có thể nắm bắt được xu hướng thời trang thế giới một cách nhanh chóng và xử lý được những thông tin thời trang mà họ cập nhật được. Nhưng, bản thân mỗi nhà thiết kế vẫn chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các xu hướng thời trang thế giới, và những bộ sưu tập ra đời vẫn na ná nhau, vẫn mờ nhạt, vẫn chưa có tiếng nói riêng. Nhà thiết kế Tiến Lợi nhận xét: “Càng đi sâu vào nghiên cứu sáng tạo, bản thân mỗi nhà thiết kế đều nhận rõ sự thiếu hụt của mình. Họ luôn dồi dào ý tưởng, có khả năng, có đam mê nhưng vẫn thiếu sự căn bản (mà đây lại là vấn đề quan trọng nhất) do cách đào tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Nhà tạo mẫu Lê Xuân cũng đưa ra ý kiến: “Không có được một môi trường đào tạo bài bản khiến nhiều nhà thiết trẻ không thể xác định được phong cách, con đường đi riêng của mình. Tự học hỏi là chủ yếu nên việc nhiều nhà thiết kế lấy ý tưởng của bộ sưu tập này một ít, bộ sưu tập kia một ít để hình thành nên bộ sưu tập của mình là điều dễ hiểu”. Đây cũng chính là lý do để giải thích vì sao nhà thiết kế trẻ Việt Nam hiện nay có một lực lượng hùng hậu với năng lực sáng tạo dồi dào mà số người định hình được phong cách riêng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhà thiết kế Quốc Bình cho biết thêm: “Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được tham gia một vài khóa học ngắn hạn của các chuyên gia thời trang Pháp do Viện mẫu thời trang Việt Nam tổ chức, và nhận ra rằng mình thiếu đào tạo một cách cơ bản”. Về vấn đề đào tạo nhà thiết kế Minh Hạnh (Viện trưởng Viện mẫu Việt Nam) thẳng thắn: “Với quy trình đào tạo nhà thiết kế thời trang như hiện nay (giáo trình giảng dạy chưa hoàn chỉnh, chưa chuyên sâu về lĩnh vực thời trang), các em học sinh ra trường sẽ không thể làm được nghề. Tuy nhiên, điểm khiếm khuyết lớn nhất của các nhà thiết kế trẻ là sự thiếu những trải nghiệm… chưa tiết chế được chính những sáng tạo của mình…”.



Về vấn đề tổ chức, thiết kế các chương trình thời trang cũng nên nhìn nhận lại. Có định hướng tốt song các chương trình này thực hiện dàn trải, có khi không đúng thời điểm và không chuyên nghiệp. Quy mô, cách thức thể hiện chưa thật sự hiệu quả nên gây nhàm chán cho khán giả và làm mất niềm tin cho nhiều nhà thiết kế tên tuổi, có tài năng thực sự. Nhiều nhà tạo mẫu tâm sự : Họ rất muốn giới thiệu những tác phẩm mới của mình song không biết đặt niềm tin nơi đâu, không tìm được tiếng nói chung từ phía các nhà Tổ chức. Nhà tạo mẫu Lê Xuân bày tỏ: “Tôi mong muốn có những chương trình quy mô, chất lượng, hấp dẫn được người xem. Và ở đó những tác phẩm thời trang được đánh giá, được coi trọng và tỏa sáng thực sự. Mỗi chương trình như thế sẽ tạo nên không khí cạnh tranh lành mạnh, kích thích các nhà tạo mẫu và sẽ làm cho không khí thời trang Hà Nội sôi động hơn”. Nhà thiết kế Quyết Thắng cho rằng: “Tạo nên không khí lặng lẽ của thời trang Hà Nội có rất nhiều yếu tố, không thể một sớm một chiều là giải quyết được. Muốn tìm ra hướng đi đúng phải thực hiện ngay từ chương trình đào tạo. Tôi nghĩ, nên có Hiệp hội các nhà thiết kế và cần có người cầm đầu, đại diện để đưa ra tiếng nói chung của mình”.



Vẫn biết con đường còn xa và đích đến còn mất nhiều thời gian, nhưng chúng ta cùng tin tưởng vào một tương lai mới, sáng sủa rực rỡ hơn cho thời trang Hà Nội nói riêng, thời trang Việt nói chung, nhất là khi đất nước đang trên đà hội nhập WTO.
(Theo Báo - Tạp chí)


Các tin đã đưa:
  • Niềm đam mê của phái đẹp (30/12/2007)
  • Họa tiết, màu sắc, phụ trang lên ngôi (30/12/2007)
  • Giấc mơ The Manor (30/12/2007)
  • Đón xuân cùng bộ sưu tập Cúc Boutique (30/12/2007)
  • Các nhà tạo mẫu làm gì khi: Châu chấu đá xe? (30/12/2007)
  • NTK Tiến Lợi:Cái đơn giản nhất lại đòi hỏi kỹ (30/12/2007)

       
    THỎA THUẬN TRUY CẬP WWW.CUCBOUTIQUE.COM | CHÍNH SÁCH BẢO MẬT CỦA CUC BOUTIQUE
    Copyright by CUC BOUTIQUE. All rights reserved